1. Nắm rõ giá trị hợp đồng và nội dung chi tiết công việc
Trên thực tế, hầu hết khách hàng khi làm việc với nhà thầu xây dựng chỉ chăm chăm chú ý đến đơn giá thi công trên 1/m2. Họ nghĩ đơn giản chỉ cần nhân đơn giá với tổng số m2 của công trình là sẽ ra giá trị hợp đồng. Điều này đúng nhưng chưa đủ.
Các chủ thầu sẽ có cách tính diện tích khác nhau đấy. Vì thế, bạn cần nắm rõ được tổng số tiền bạn phải bỏ ra cho toàn bộ diện tích tránh việc tính m2 thì rẻ mà khi tính tổng giá trị lại đắt. Nếu bạn thuê trọn gói phần thô thì cũng nên thuê một người có kinh nghiệm hạch toán và dự trù kinh phí để quyết định giá thuê hợp lý.
Trong tổng giá trị hợp đồng đó, bạn cũng cần nắm được những công việc mà nhà thầu xây dựng sẽ làm. Điều này rất cần thiết, tránh việc sau này nhà thầu lật lọng không nhận một số phần việc và tính vào chi phí phát sinh. Bạn nên liệt kê rõ những công việc mà nhà thầu thực hiện như phần ngầm làm những gì, cấp thoát nước hay điện làm những gì… càng chi tiết càng tốt. Nhà thầu cần phải chủ động việc bố trí nhân công, các dụng cụ làm việc, cách bảo quản…. Bên canh đó, tiền bồi dưỡng thợ ăn uống bạn cũng nên nêu rõ từ đầu tránh nhà thầu tranh thủ đòi hỏi từ chủ nhà.
Chúng ta cũng cần nắm rõ sẽ có những phần việc phía chủ thuê phải chịu trách nhiệm như: chi phí điện nước trong quá trình thi công, chi phí thuê mặt bằng vỉa hè để vật liệu hay chi phí xin cấp giấy phép xây dựng… Nếu muốn nhà thầu xây dựng đảm nhiệm thì cần làm rõ về chi phí.
Ngoài ra, bạn cũng nên đưa vào hợp đồng khoản phát sinh do trượt giá. Chúng ta có thể dựa trên đơn giá của sở tài chính và xây dựng công bố giữa hai thời điểm với khoảng chênh lệch khoảng 5 % là được. Điều này là cần thiết tránh việc trượt giá khó thống nhất giữa hai bên.
Đưa ra các mốc thanh toán và kiểm tra trước khi thanh toán
2. Đưa ra các mốc thanh toán theo tiến độ công việc
Bạn nên bàn bạc rõ với nhà thầu và đưa vào hợp đồng là bạn sẽ giao tiền cho nhà thầu ở những mốc thời gian nào. Các mốc này thường sẽ là dựa vào khối lượng công việc chẳng hạn như xong móng bàn giao bao nhiêu tiền, xong tầng 1 bàn giao bao nhiêu tiền… Sau khi xong mỗ hạng mục khách hàng nên mời bên thứ 3 sang giám sát chất lượng, nếu đạt yêu cầu mới thanh toán.
Ngoài ra, còn có hình thức thanh toán theo mốc thời gian. Ví dụ như cứ hết một tuần thì chủ nhà sẽ thanh toán cho nhà thầu bao nhiêu tiền đó. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng hình thức này vì khó theo dõi tiến độ công công việc, không đảm bảo thời gian thi công.
Việc lựa chọn thanh toán theo tiến độ hợp lý sẽ giúp nhà thầu an tâm hơn vì thế làm việc có trách nhiệm, hiệu quả hơn. Còn với chủ nhà nó giúp bạn thấy thoải mái hơn và cũng chủ động phân bổ tài chính cho từng giai đoạn công trình.
Một nhà thầu đủ tư cách pháp lý là yêu cầu bắt buộc
3. Cần chứng minh tư cách pháp nhân hành nghề của nhà thầu
Có một thực trạng là hiện nay có nhiều đơn vị xây dựng hành nghề nhưng trên thực tế chưa có đủ những giấy tờ thủ tục cần thiết, chưa được pháp luật công nhận. Bởi vậy, trước khi ký hợp đồng bạn cần yêu cầu nhà thầu chứng minh tư cách pháp nhân của mình, chứng tỏ họ là công ty có pháp nhân bảo trợ đầy đủ.
Điều này hết sức quan trọng, nhất là những khi xảy ra những sự cố như tai nạn lao động, ảnh hưởng đến môi trường… thì một công ty có đầy đủ pháp nhân sẽ tự xử lý giúp bạn đứng ngoài những rủi ro không đáng có này.
Quy định về bảo hành công trình xây dựng
4. Những quy định về bảo hành
Cũng giống như khi chúng ta mua các mặt hàng của những thương hiệu phổ biến thường có bảo hành. Một nhà thầu uy tín cũng sẽ có bảo hành để khách hàng an tâm. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều nhà thầu thường cố tình bỏ qua điều khoản này hoặc nếu đề cập đến thì cũng chỉ nói một cách hời hợt và không có các điều khoản đảm bảo để làm tin.
Khách hàng cần lưu ý, hiện nay trách nhiệm bảo hành thường là 1- 2 năm. Nó sẽ ràng buộc nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về những gì đã thi công như vật tư, kỹ thuật. Và như nói ở trên thì hầu hết nhà thầu sẽ cố tình lảng tránh điều khoản bảo hành nên cách tốt nhất là khách hàng hãy giữ lại khoảng 5 % giá trị hợp đồng. Nếu khi có những trục trặc xảy ra thì nhà thầu sẽ nhanh chóng tiến hành khắc phục vì nó có liên quan đến kinh tế.
5. Nói rõ về thời hạn thi công công trình
Trên thực tế, rất nhiều khách hàng đã gặp phải những trường hợp như trước khi thi công nhà thầu bảo rằng chỉ mất vài ba tháng nhưng sau đó thì kéo dài tận nửa năm hoặc hơn vì nhà thầu nhận nhiều công trình không đủ nhân công. Bởi vậy, để đảm bảo đúng thời gian thi công không ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng công trình chúng ta cần thảo luận, thống nhất ngay từ đầu về thời hạn thi công. Thậm chí, với những công trình lớn thì người ta còn yêu cầu thời hạn thi công đối với từng hạng mục cụ thể.
Chúng ta cũng cần chú ý nêu ra các điều khoản thưởng nếu thực hiện nhanh hơn hoặc đúng thời hạn. Đồng thời cũng phải có điều khoản phạt nếu chậm tiến độ cam kết. Nhiều người nghĩ không quy định thời hạn để thợ làm kỹ hơn nhưng thực tế không phải vây. Việc thi công trễ sẽ ảnh hưởng tới tài chính, tâm lý và nhiều vấn đề khác. Đơn giản như việc bạn phải thuê nhà ở lâu hơn cũng đã tốn kém thêm kinh phí.
Tuy nhiên, với việc trễ tiến độ nếu do ảnh hưởng của các điều kiện khách quan như thời tiết mưa bão hay vật tư không đủ… thì chúng ta cũng có thể xem xét châm chước cho nhà thầu. Bởi, với những nhà thầu uy tín không ai muốn kéo dài thời gian thi công.
Một số vật liệu xây dựng cần sử dụng
6. Chủng loại và giá trị vật tư khi sử dụng
Điều này chúng tôi cũng đã đề cập đến ở phần trên nhưng bạn cần phải nắm rõ hơn nếu thuê trọn gói. Bởi vật tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình và đơn giá. Rất cần thiết phải lập một bảng chi tiết về vật tư sử dụng như sử dụng vật tư của hãng nào cụ thể thông số ra sao, giá cả thế nào.
Chẳng hạn đối với phần thô thì sử dụng những loại thép nào, của hãng nào; xi măng, gạch loại nào, kể cả dây điện, ống nước…Thông tin càng chi tiết và rõ ràng càng tốt. Đối với những nhà thuê hoàn thiện bàn giao chìa khóa thì bạn cũng phải lên các vật tư cần thiết khác.
Sở dĩ chúng tôi đề cập sâu đến vấn đề này là bởi có nhiều nhà thầu đã cố tính không ghi hoặc ghi nhưng khoảng chênh lệch lớn để lấy loại loại vật tư rẻ nhưng vẫn nằm trong khoảng cho phép. Vì thế mà việc liệt kê đủ và ghi rõ giá và chi tiết vật tư là việc rất cần thiết tránh nhà thầu gian lận.
7. Chịu trách nhiệm với công trình lân cận
Đây là điều mà rất nhiều khách hàng đã không chú ý khi làm việc với nhà thầu. Xung quanh nơi thi công chắc chắn sẽ có các công trình khác vì thế bạn cần thống nhất ngay từ đầu và yêu cầu nhà thầu phải chịu trách nhiệm với các công trình đó.
Khi có các sự cố trong quá trình xây dựng ảnh hưởng đến những công trình lân cận nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm thỏa thuận, đền bù. Nhà thầu xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm đảm bảo vê sinh, an toàn về người và tài sản, không gây ồn ào, cản trở cho các công trình lân cận.
Ngoài ra khi ký hợp đồng khách hàng cũng nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thống nhất về việc đảm bảo thực hiện đúng bản vẽ, cấu trúc căn nhà để đảm bảo chất lượng công trình.
- Nhà thầu phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm lao động cho người lao động và an toàn lao động cho công nhân làm việc.
- Nêu rõ thưởng, phạt đối với từng điều khoản. Hãy đặt giả thiết cho các tình huống rủi ro để nghe câu trả lời từ nhà thầu
- Hợp đồng càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Hợp đồng phải rõ ràng, khoa học quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của từng bên.
Kiểm soát được tất cả những điểm nên trên sẽ giúp bạn an tâm khi đặt bút ký hợp đồng với chủ thầu xây dựng. Vì thế, hãy chuẩn bị chu đáo về cả tâm lý lẫn thông tin cần thiết nhé. Và nếu bạn muốn an tâm tuyệt đối hơn nữa hãy tìm đến với những nhà thầu uy tín. Chúng tôi cam kết với những kinh nghiệm và quy trình làm việc rõ ràng, khoa học của mình sẽ mang đến sự hài lòng cho khách hàng.